Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Cuộc cách mạng một cọng rơm- Masanobu Fukuoka


Những ngày gần đây, tôi thường dành chút thời gian rảnh của mình lang thang tìm hiểu về nông nghiệp để chuẩn bị cho một bước chuyển mới trong tương lai. Như mọi thứ khác mà con người đã đặt chân và nhúng tay vào, ngành nông nghiệp đang tiếp tục mở rộng, biến đổi với tốc độ và độ phức tạp không ngừng gia tăng. Động lực chính yếu đàng sau đó là ước muốn khám phá, cải tiến và làm giàu của con người.

Trong cộng đồng những người làm nông nghiệp trên mạng, dễ dàng thấy những trao đổi hừng hực máu lửa như trồng cây gì, bón phân gì, nuôi con gì, cho ăn gì để nhanh chóng làm giàu. Nông nghiệp với mục đích làm giàu, tự bản thân nó đẻ ra nhiều thứ phục vụ cho mục đích đó: bài toán đầu tư, bài toán thu hồi vốn, bài toán tiếp thị, đóng gói, phân phối, kinh doanh, tích hợp các kiến thức và sản phẩm của khoa học để nâng cao năng suất, trồng và cho ra sản phẩm nông nghiệp nghịch vụ, giải quyết bài toán sâu hại và bệnh của cây trồng, vật nuôi...

Tôi, như một kẻ mới toanh không kiến thức, không trải nghiệm, mém chút nữa là bị lạc hẳn vào trong đó không đường ra. Thật may là trước khi sa chân vào trận đồ bát quái đó, đứa bạn thân tặng cho tôi cuốn sách này. Cuốn sách với nội dung cực kỳ giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, giúp tôi kịp nhận ra sự vô nghĩa và sai trái của những cách làm nông nghiệp hiện đại; hiểu được chân bản chất của nông nghiệp theo phương pháp tự nhiên và hơn thế nữa, giúp tôi củng cố thêm nhận thức của mình về Thật và Ảo trong cuộc sống; về sự hữu hạn của kiếp người; về sự kỳ lạ trong những nỗ lực ồn ào của loài người liên tục đẩy cuộc sống về hướng này theo hướng kia, mà thật sự chẳng ai biết là để làm gì, để đi tới đâu. 

Dù đã đọc cuốn sách hai lần, và sẽ tiếp tục đọc lại thêm vài lần nữa cho đến khi bản thân có thể cảm nhận và thật sự thấm được nó, tôi biết mình sẽ không đủ khả năng và không thể nói gì về nó. Khi đứng trước một điều gì thật sự "Trọn vẹn", bạn biết mình sẽ chẳng nên làm gì thêm. 

Masanobu Fukuoka mất năm 2008. Ông viết cuốn sách này năm 1975, năm ông 62 tuổi. Cái tuổi đủ để mọi trải nghiệm, suy ngẫm lắng sâu và kết tinh. Chúng được ông chậm rãi trải ra qua từng chương sách một cách đơn giản, tự nhiên, trong sáng và sâu lắng. Thật đẹp đẽ.  

Nếu bạn muốn hiểu về bản chất và nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp tự nhiên; cuốn sách này giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết cơn lốc nông nghiệp hiện đại ngày này đã đi lạc xa đến mức nào và các nông dân khốn khổ của chúng ta đang bị cuốn vào cơn lốc đó ra sao; cuốn sách này giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết sự khác biệt giữa chế độ ăn tự nhiên với những thực phẩm phù hợp, lành mạnh cho sự phát triển khoẻ mạnh của con người và những chế độ ăn khiên cưỡng có hại do chạy theo các ham muốn hay hạn hẹp về nhân thức; cuốn sách này giúp bạn điều đó.

Nếu bạn muốn biết con người hiện đại đã xa rời tự nhiên, xa rời nguồn gốc của mình đến mức nào và sự hạn chế của khoa học; cuốn sách này giúp bạn điều đó.

Và cuối cùng, nếu bạn muốn tìm một cánh cửa mở ra cho bạn con đường giúp phân biệt giữa Thật và Ảo trong thế giới hiện tại; cuốn sách này có thể giúp bạn điều đó.

Khi tặng tôi cuốn sách này, cô bạn thân viết lời đề tặng: "Tặng bạn yêu quí một cuốn sách = một cách sống. Hy vọng bạn cũng yêu cụ Fukuoka như tớ nhé". :) Bạn tôi luôn có cách nhận diện mọi thứ trong cuộc sống thật rõ và sâu vào bản chất. Cuốn sách này không chỉ bàn về nông nghiệp tự nhiên. Nó là một cách sống. Tôi thật sự yêu và muốn sống theo cách đó, dù biết là cực khó khăn. Chẳng phải ai cũng có đủ định lực và may mắn để nhận ra Tánh Không của vạn vật năm 25 tuổi. Chẳng phải ai cũng có đủ sự rõ ràng, kiên định, nghị lực và khả năng để cô độc đi theo một con đường suốt chừng đó năm, đến khi nhắm mắt. Tôi sẽ làm những gì có thể, trong khả năng của mình.

Để thay cho lời kết bài viết này, tôi xin trích ra đây đoạn thư cuối của cụ Fukuoka gửi bạn đọc trong 2 trang cuối của cuốn sách. Tôi còn nhớ  buổi trưa hôm đó,  tôi đã lặng người đi, tim lỗi vài nhịp đập và ứa nước mắt khi đọc những dòng thơ của cụ. Có một con người cô độc và lặng lẽ ngắm nhìn nhân gian như thế. Có một con người mạnh mẽ và thanh thản sống trọn vẹn cuộc đời được trao như thế. Có một điều đẹp đẽ bình dị đã từng tồn tại trên thế giới này như thế.

"Bạn đọc thân mến,

Chẳng có nơi đâu tốt đẹp hơn thế gian này. Nhiều năm trước đây, tôi nhân ra rằng con người chúng ta thế nào thì cứ như thế ấy là tốt rồi, và thế là tôi chỉ việc tận hưởng cuộc sống của mình. Tôi đã chọn một con đường vô lo quay về với tự nhiên, không bị ràng buộc bởi tri thức và nỗ lực của loài người. Từ đó tới giờ, cuộc đời tôi đã trôi thêm được 50 năm. Tôi có được một số thành công, nhưng có cả những thất bại. Nhiều giấc mơ thời trẻ của tôi vẫn chưa thành. Tôi biết thời gian tôi còn được ở trên thế gian này là có hạn. 

 Giờ tôi đã nghỉ hưu. Sống trong một túp lều trên núi giữa vườn cam. Tôi đã đóng cửa nông trại, không đón khách thập phương nữa để trân trọng hơn thời gian mình còn lại. Điều tuyệt nhất của việc sống một cuộc đời nghỉ hưu trên núi, tách khỏi những tin tức về thế giới bên ngoài là ở chỗ tôi có được cảm nhận khác về thời gian. Tôi hy vọng rằng, khi thời gian trôi đi, tôi sẽ có thể trải nghiệm một ngày giống như một năm. Khi đó, giống như dân bộ lạc tôi gặp ở Somalia, tôi sẽ chẳng còn biết mình bao nhiêu tuổi nữa.

Những ngày này, tôi cố gắng mình tưởng tượng rằng mình đã một trăm tuổi, hoặc thậm chí 200 tuổi. Tôi hy vọng đến lúc qua đời, tâm trí và thân thể tôi vẫn còn ở tình trạng tốt. Khi xuống ruộng hoặc lên vườn, tôi vẫn thường tự nhủ mình: chớ có hứa hẹn gì cả, hãy quên ngày hôm qua đi, đừng nghĩ về ngày mai, nỗ lực hết mình vào công việc của từng ngày và không để lại dấu vết nào trên trái đất này hết. Với tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ là được vui vẻ làm việc trên nông trại của mình, nó chính là vườn Địa Đàng. Con đường làm nông tự nhiên sẽ vĩnh viễn không bao giờ hoàn thiện. Tự nhiên không bao giờ có thể được thấu hiểu hoặc cải tạo nhờ vào nỗ lực của con người. Cuối cùng thì, để hoà làm một với Thượng Đế, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình. 

"Đường lớn chẳng hề có cổng, tôi chẳng thấy cái nào
Yên bình trên Thiên Đường, chốn trần gian là tiếng thì thào
Ai đã khiến cơn gió đi hoang?
Sang bên trái, dạt qua bên phải
Hết thủ lại công
Chẳng biết đâu là tốt xấu
Chiếc quạt thổi hai phía, lóng ngóng như nhau
Độc bước trong vườn, tôi thấy một túp lều dựng tạm
Một ngày là cả trăm năm
Đám cải củ, cải cay bung nở
Năm hai nghìn rồi ánh trăng sẽ mờ
Đã tận lực chốn này, giờ ta bắt đầu phiêu du chốn mới
Chuyến du hành thoáng chốc, ai biết là tới đâu..."


Bây giờ, cụ đã phiêu du trên những chuyến du hành mới, chẳng biết chốn nào :) Chỉ còn một cách sống của cụ là vẫn còn ở lại, cho những người như tôi ngẫm và dõi theo.

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Mật mã - Từ cổ điển đến lượng tử - Simon Singh

Tên đầy đủ của cuốn sách là The Code Book- The science of secrecy from ancient Egypt to quantum cryptography, viết bởi Simon Singh. Nếu bạn có quan tâm đến tác giả thì Simon Singh là một tiến sĩ vật lý tại Cambridge, nổi tiếng bởi những tác phẩm hấp dẫn, thú vị về khoa học. Tác phẩm đầu tay của ông "Định lý cuối cùng của Fermat", đã từng là cuốn sách bán chạy nhất nước Anh. The Code Book là môt trong những tác phẩm thành công tiếp sau đó với khỏang hơn 200 ngàn bản đã được bán trên khắp thế giới. Nói một cách ngắn gọn, The Code Book dẫn bạn vào hành trình khám phá sự tiến hóa của mật mã lòai người; vai trò quan trọng và ảnh hưởng quyết định của nó trong các họat động của chính phủ, những cuộc chiến tranh thế giời, đời sống riêng tư của mỗi con nguời, đặc biệt khi mỗi chúng ta càng ngày càng ảo hóa và chuyển phần lớn sinh họat cuộc đời lên mạng internet.

Vào thời điểm đem cuốn sách về nhà, tôi không biết đó là một cuốn sách nổi tiếng, cũng không nghĩ nó là một cuốn sách thuần túy về mật mã. Tôi đã đọc lướt qua cái tựa hấp dẫn, liên tưởng đến một cái gì thú vị kiểu như Mật mã Da Vinci, và mong đợi điều ly kỳ tương tự. Tôi sai về Da Vinci, nhưng may mắn thay, hòan tòan đúng về sự hấp dẫn, ly kỳ và thú vị mà nó đem lại.

Cuốn sách có 8 chương. Hai chương đầu tiên nói về các cách mã hóa thô sơ thời cổ, từ việc dùng một lớp gỗ che phủ, viết trên da đầu để tóc mọc lên, đến việc dùng các bảng chữ cái, sổ mật mã. Với các bạn không yêu thích khoa học, không thích các con số, thuật tóan và chỉ quan tâm đến những câu chuyện vui vẻ, thú vị, hấp dẫn như tôi, 2 chương này khá khô khan và khó nhằn. Dù được điểm tô bằng câu chuyện về vụ xử tử nữ hòang Marry xứ Ai Len hay bí mật về kho báu bí ẩn ở miền Virginia nước Mỹ, sức hút của chúng vẫn yếu ớt . Chính vì vậy, không ít lần tôi đã định buông sách xuống, để quay về với những mối quan tâm hiện tại. Hai chương này chiếm khỏang 130 trang.

Nhưng nỗ lực "không bở dở những gì đang làm" của tôi cuối cùng đã được đền đáp. Sáu chương sách còn lại thật sự cuốn hút, hấp dẫn, ly kỳ và thú vị không cưỡng lại được. Chúng mô tả một cách duyên dáng, cực kỳ dễ hiểu những bước tiến hóa nhảy vọt trong độ phức tạp và sự an tòan của mật mã khi bước vào thời kỳ cơ giới hóa, bắt đầu từ Engima đến RSA và cuối cùng là mật mã lượng tử. Đồng hảnh với quá trình tiến hóa là sự đấu trí không ngừng giữa những người tạo ra mật mã và những người tìm cách hóa giải nó. Mỗi cuộc đấu trí đều thấy lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ của những bộ óc tuyệt vời.

Lồng ghép trong suốt sáu chương sách là những câu chuyện về vai trò quyết định của mật mã trong các cuộc chiến tranh; những cơ quan tối mật của chính phủ chuyên làm nhiệm vụ tính báo, tạo mã và giải mã;  những con người ưu tú họat động lặng thầm trong bóng tối bình thản nhìn người khác bước lên bục vinh quang cho những phát minh mình đã tạo ra từ trước nhiều năm. Cuối cùng là cuộc tranh cãi vẫn đang tiếp diễn của công dân, giới kinh doanh về quyền riêng tư, tự do cá nhân trong nỗ lực kiểm sóat, theo dõi thông tin không ngừng gia tăng của chính phủ.

Có đôi chỗ, tiết lộ của cuốn sách làm tôi chóang váng. Ví dụ như chuyện Alan Turing không chỉ là người có ảnh hưởng lớn trong việc thiết kế ra máy tính, ông còn là một tay giải mã cự phách, có đóng góp rất nhiều trong việc vô hiệu mật mã Engima và sự nghiệp tình báo của chính phủ Anh. Thêm vào đó, ông còn là một người...đồng tính. Hóa ra, đồng tính không hề là chuyện mới trong thế giới những người nổi tiếng của làng công nghệ, ngòai Alan Turing, Peter Thiel và Chris Hughes cũng là hai người đồng tính nổi tiếng khác.

Phần vui nhất của cuốn sách có lẽ là đọan mô tả về mật mã Navajo, được chính phủ Mỹ sử dụng trong cuộc chiến với Nhật. Bằng cách sử dụng các chiến binh Navajo và ngôn ngữ thổ dân của họ, Mỹ đã vô hiệu hóa hòan tòan mọi nỗ lực giải mã của Nhật và đảm bảo tính bí mật, bất ngờ cho các thông tin cuộc chiến.

Quá trình đọc cuốn sách thật sự rất say mê, hứng thú. Tuy nhiên, khi gấp sách, đọng lại trong tôi lại là những suy tư.

Nhu cầu mật mã của những người bình thường cực kỳ đơn giản, có thể giới hạn trong những phương pháp cổ điển. Chỉ có các chính phủ, các thế lực khủng bố, tội phạm là cần đến mật mã với độ phức tạp không ngừng gia tăng để bảo vệ cho những bí mật, âm mưu lớn lao về quyền lực, tiền bạc, danh vọng của họ. Khi tôi biết về mật mã cũng là lúc tôi nhận ra một thế giới bí mật khác đang chảy song hành với cuộc sống bình dị của mình. Nếu không có thế giới đó, hẳn cuộc sống đã yên bình và đẹp đẽ biết bao. Sự tiến hóa của khoa học mật mã, chính vì thế, theo một cách nào đó, lại phản ánh sự tiêu tốn năng lượng vô ích cho những ảo ảnh của xã hội lòai người, như nó vẫn luôn là thế.

May mắn thay, cuộc đấu trí giữa những nhà tạo mã và giải mã lại đem đến cho tôi một suy tư khác tích cực hơn. Lịch sử tiến hóa của ngành mật mã chất đầy những tên tuổi lớn, những bộ óc ưu tú, đam mê, dũng cảm trong việc đón nhận, hóa giải các thách thức. Trong khi bao người ở ngoài kia đang cưỡi lên những đợt sóng và tìm đến những miền đất mới, tôi và nhiều bạn trẻ Việt Nam khác lại ngồi đây, trong cái góc chật hẹp của mình, trải qua ngày này tháng khác dẫm lại vết chân đã đi mòn nhẵn của thể giới, ít có can đảm bắt đầu một điều gì, cũng chẳng đủ can đảm kết thúc một điều gì cho tới nơi tới chốn.

Tôi nhìn lại tôi, và tôi nghĩ mình nên sống khác đi một chút nữa.

Và đó có lẽ là điều quí giá nhất tôi tìm được từ cuốn sách này. Cảm ơn Simon Singh và các nhà khoa học của ngành mật mã.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Đọc Tiểu Sử Steve Jobs by Walter Issaacson

Bạn đọc thân mến,

 Vậy là cuối cùng tôi cũng đã có đủ tự tin để review cuốn Tiểu Sử Steve Jobs (TSSJ) một cách đơn giản và gọn gàng nhất có thể. Sau hai tháng lùi ra xa để nhìn lại và ngẫm nghĩ, tôi lại đang cầm trên tay tác phẩm này. Sách dày hơn 600 trang, bìa cứng, trình bày một cách đơn giản, tao nhã nhưng ấn tượng, chấp bút bởi Walter Issaacson.

Tôi tìm đến cuốn sách này qua giới thiệu của một người bạn, khi nó vừa được xuất bản bằng sách giấy ở Việt Nam vào những ngày đầu tháng 12/ 2011. Trước đó, bản điện tử của nó đã được phân phối từ ngày 5/11.

Vốn không đánh giá cao những bản dịch tiếng Việt của Anpha Book, tôi không ngạc nhiên về chất lượng cuốn sách lần này. Do phát hành chỉ hơn một tháng sau bản gốc tiếng Anh, TSSJ của nhà sách này được dịch khá vội vàng, cẩu thả, nhiều đọan truyền tải sai hay không rõ ý của sách gốc. Văn phong tác giả hay giá trị nội dung của cuốn sách, cũng vì thế mà giảm đi nhiều phần. Thêm vào đó, hình ảnh Techcombank nằm chễm chệ ở trang thứ 3, viền khung trang trọng với logo đỏ chót là một nỗ lực tiếp thị rất vụng về và phản cảm, làm ảnh hưởng không ít đến sự tao nhã, tinh tế của bản thân cuốn sách.

Nhưng bỏ qua những tiểu tiết phía trên, đây quả thật là một cuốn sách có giá trị nội dung, đáng mua và lưu giữ lâu dài trên kệ.

Cuộc đời của Steve Jobs có tầm vóc riêng. Chính vì thế, nó đòi hỏi người chấp bút cũng phải có một tầm vóc tương ứng. Tôi nghĩ Steve Jobs hẳn đã chọn lọc rất kỹ càng khi tìm đến và đề nghị Walter Issaacson viết tiểu sử cho mình vào mùa hè năm 2004.

Ở vị trí của người đã từng là chủ tịch kiêm CEO của CNN và tổng biên tập của tạp chí Time, Walter Issaacson có đủ tầm vóc về tư tưởng để trao đổi, thấu hiểu, quan sát và truyền tải cuộc đời Steve Jobs đến công chúng một cách hỉểu biết, khách quan. Bạn có thể kiểm chứng điểu này bằng cách tìm đọc những cuốn sách khác về Steve Jobs. Trong rừng sách được xuất bản trước và sau cái chết của ông. bạn sẽ thấy TSSJ viết bởi Walter Issaacson nổi bật hẳn lên với tầm vóc khác biệt.

Steve Jobs không có ý định dùng cuốn sách này để đánh bóng hình ảnh bản thân mình như một người hòan hảo. Walter Issaacson lại càng không và giữ một thái độ rất khách quan trong tòan bộ tác phẩm.  Ông để cho chân dung của Steve tự hiện lên và được khắc họa một cách sống động và chân thực thông qua chính những biển hồi ức, đánh giá của bản thân Steve, gia đình, cộng sự và những người có liên quan đến nhà lãnh đạo Apple này.

Tôi đã bị cuốn mải miết vào dòng chảy mãnh liệt của cuộc đời nhà lãnh đạo Apple với rất nhiều những khỏanh khắc chóang chợp vì độ lớn của tư tưởng, độ quyết liệt của hành động và sự đơn giản mạnh mẽ trong tư duy của Steve cùng cộng sự. Ở những trang cuối của cuốn sách, khi Walter Issaacson tạo cho Steve Jobs cơ hội để tự nói về cuộc đời mình, tôi đã bật khóc. Trong một thế giới có quá nhiều thỏa hiệp, quá nhiều sự hời hợt, quá nhiều những nỗ lực nửa vời, cuộc đời Steve Jobs và cách sống của ông đã tạo được cảm hứng và sức mạnh cho tôi và có lẽ rất nhiều người khác.

Steve Jobs nổi tiếng vì sự thô lỗ, tàn nhẫn, bạo ngược. Có cả những câu chuyện khác về sự phản trắc, lợi dụng người khác, vô trách nhiệm của ông. Walter Issaacson không né tránh việc đề cập đến những điều đó trong tác phẩm. Tôi không quan tâm. Không ai trên thế giới này thực sự là hòan hảo, và sự thật không nằm trong những huyền thọai hay lời đồn thổi. Tôi chỉ nhìn vào một con người qua những gì họ đã để lại cho cuộc đời này. Với tôi và rất nhiều người khác, điều Steve Jobs để lại là khát khao mãnh liệt về việc phá vỡ các biên giới, đẩy năng lực con người lên đến mức độ cao nhất có thể, và tìm đến cái đẹp một cách tinh tế, hòan hảo nhất có thể. Tôi nghĩ đó là một trong những điều lòai người thật sự cần.

Thật khó để trình bày tòan bộ những suy ngẫm của tôi về cuốn sách này trong một bài review. Tôi sẽ dừng lại ở đây và ghi nhớ lại một số điều nổi bật mà bản thân sẽ mang theo và suy ngẫm:
  1. Quyết định những điều mình không làm cũng quan trọng như quyết định những gì mình sẽ làm.
  2. A lot of effort went into making this effortless. 
  3. Người ta thực sự phán xét một quỳển sách qua tấm bìa của nó. Vì thế, cần đảm bảo tất cả vẻ ngòai và các bao bì sản phẩm phải cho thấy nó ẩn chứa một viên ngọc quí ở bên trong.
  4. Sự thuần khiết, tĩnh lặng và tự chủ của màu trắng.
  5. Đơn giản là sự tinh tế tối thượng.
  6. Hãy trượt đến chỗ trái banh văng tới chứ không phải ở nơi nó từng xuất hiện.
  7. Cách suy nghĩ đơn giản, mạch lạc và cực rõ ràng về chiến lược sản phẩm.
  8. Không thỏa hiệp.
  9. Niểm vui sáng tạo; sự cống hiến hết sức mình cho độ hòan hảo của sản phẩm.
  10. Khả năng bóp méo sự thật hay magic thingking.
  11. Tầm nhìn xa và trí tưởng tượng vượt biên giới thông thường.
  12. Nghệ thuật vĩ đại sẽ gây ảnh hưởng chứ không đi theo thị hiếu.
  13. Sự khám phá sáng tạo đến từ sự đào sâu chi tiết, hay càng ít càng nhiều.
  14. Thấu hiểu mong muốn của người dùng ngay cả trước khi họ nhìn thấy.
  15. Chuẩn mực cao cho sự hòan hảo.
  16. Cách sống nổi lọan của hải tặc, không để cho các khuôn phép của xã hội ràng buộc mình.
  17. Tình yêu sâu thẳm và sự đam mê chìm đắm, mãnh liệt mà những con người vĩ đại như Steve Job và cộng sự của ông đã đặt vào từng sản phẩm. Tôi ngưỡng mộ những bộ óc tinh tế, sắc sảo đẹp đẽ đó, cho dù những thể hiện của nó ra bên ngòai có thô lỗ và nghiệt ngã đến mức nào.
Hôm nay là 29 Tết, ngày cuối cùng của năm cũ, hòan thành review cuốn sách này cũng là một thành công nhỏ đáng chúc mừng với tôi. Thật tốt để khép lại một năm theo cách này.

Các bài viết khác của cuốn này:
  1. Sự sống đàng sau cái chết.
  2. Steve Jobs- Bạn yêu điều bạn yêu đến mức nào?

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

2. Bạn yêu điều bạn yêu đến mức nào?

-  Nhân đọc Steve Jobs by Walter Isaacson -

Tôi vẫn thường hỏi bản thân và bạn bè rằng :"đam mê (passion) của bạn là gì?", và ít khi nhận được câu trả lời rõ ràng. Lần gần đây nhất là câu trả lời từ một anh giáo sư người Mỹ: "Đam mê của tao là  nhìn thấy con cái trưởng thành; kiếm được một người bạn đời; tiếp tục hòan thành việc xử lý ảnh cho hệ thống ngôn ngữ Ả rập".

Đam mê, trong định nghĩa của tôi, là tình yêu chân thực và mãnh liệt với một điều gì đó. Tình yêu đó sâu sắc, không thay đổi và mạnh mẽ đủ để người ta có thể theo đuổi và hành động vì nó, trong suốt cuộc đời. Cũng như true love, con người không dễ tìm thấy, không dễ nhận thấy, và không dễ có được một niềm đam mê như vậy. Thông thường, do không đủ độ sâu sắc và mãnh liệt, nó sẽ chỉ dừng lại ở mức sở thích hay ý thích; dễ dàng bị thay đổi; dễ dàng bị từ bỏ trứơc những khó khăn luôn diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi người.

Chính vì thế, tôi đặc biệt thích chia sẻ này của Steve Jobs, dù nó không hề mới:
" Mọi người nói rằng bạn cần phải thật đam mê về điều bạn đang làm. Và đó là sự thật vì nếu không đam mê, bất cứ ai có chút lý trí cũng sẽ dễ dàng từ bỏ. Theo đuổi điều gì đó một cách kiên trì, bền bỉ là việc cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy, nếu bạn không yêu nó, không tìm thấy niềm vui khi thực hiện nó, bạn sẽ từ bỏ. Và điều này xảy ra với hầu hết mọi người"
Đam mê của bạn là gì? Bản thân tôi vẫn chưa thể nhận diện được đam mê của mình trong chuỗi miên man những sở thích vẫn đang đến và đi. Một vài cái lớn hơn những cái khác và đang ở lại qua năm tháng. Tuy nhiên, chưa có sở thích nào đủ lớn để khiến tôi sẵn sàng bỏ qua mọi giới hạn, và sống hết mình cho nó.

Trong suy nghĩ của riêng tôi, đó cũng là điều tạo nên sự khác biệt giữa Steve Jobs, cũng như những người thành công khác, với hầu hết mọi người. Khi nhìn vào cuộc đời ông qua mô tả của cuốn sách, Steve đã cho thấy một đam mê mãnh liệt với cái đẹp và việc thiết kế nên những sản phẩm tinh tế, hòan hảo. Đam mê đó gần như ám ảnh đời sống của ông, từ cách ăn mặc, cách tư duy, cách chọn đồ vật trong nhà, thiết kế sản phẩm, thiết kế máy bay riêng, du thuyền riêng đến tận cách ông quan sát và làu bàu chê trách thiết kế của cái mặt nạ ôxy chuẩn bị đắp lên mặt ông, trước một ca mổ sinh tử. Cũng chính niềm đam mê đó đã thúc đẩy ông và giúp ông thúc đẩy mọi người qua hết giới hạn này đến giới hạn khác trong thiết kế, hiện thực sản phẩm để đưa mức độ hòan hảo của sản phẩm lên hết mức tới hạn năng lực của những người tạo ra nó, tại thời điểm đó.

Tôi nhấn mạnh từ "tại thời điểm đó" phía trên vì tôi tin năng lực của con người là cực kỳ lớn lao. Ngay cả khi Jobs và đội ngũ của ông đã cố gắng đẩy năng lực của họ đến cực hạn tại một thời điểm, thì thật ra họ cũng mới chỉ khai phá được một phần nhỏ bé trong suối nguồn vô tận năng lực của con người do vũ trụ ban tặng. Và chỉ mới dừng ở mức tới hạn đó thôi, đã đủ để những sản phẩm tuyệt vời như iphone, ipad, mac đã được tạo ra.

Nếu hỏi ấn tượng mạnh nhất của tôi về Steve Jobs sau khi đọc cuốn sách là gì? Ấn tượng đó là ông đã sống một đời sống thật mãnh liệt, cố gắng không thỏa hiệp, và luôn cố gắng đẩy cuộc sống và sáng tạo của mình đến hết biên. Ở đường biên đó, những chuẩn mực mới được tạo ra, và từ đó, chúng ta có được bàn đạp để tiếp tục khám phá những điều mới mẻ, lớn lao khác.

Một đời sống mãnh liệt như thế thật đáng sống. Chính vì thế, đừng mong đợi ông khép mình trong những chuẩn mực, qui phạm hay ràng buộc suy nghĩ, hành xử thông thường của xã hội.

Và ở riêng khía cạnh sống cực kỳ mãnh liệt này, Steve Jobs chinh phục hòan tòan sự ngưỡg mộ của tôi.



Bài viết liên quan:
  1. Sự sống đàng sau cái chết
  2. Đọc Tiểu sử Steve Jobs

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

1. Sự sống đàng sau cái chết

- Nhân đọc Steve Jobs by Walter Isaacson -

Liệu có sự sống nào tồn tại đàng sau cái chết không? Và nếu có, nó sẽ tồn tại dưới hình thức nào? Những câu hỏi trên là băn khoăn của Steve Jobs đọng lại ở đọan kết của cuốn sách, trong những ngày tháng cuối của cuộc đời:

Vào một buổi chiều đầy nắng, khi không khỏe lắm, Jobs ngồi trong vười và nghĩ ngợi về cái chết. Ông nói về những trải nghiệm của mình tại Ấn Độ 40 năm trước, những nghiên cứu của bản thân về Phật Giáo và quan điểm về việc đầu thai chuyển kiếp cũng như những điều siêu tưởng của tâm linh.  "Tôi đã sống 55 năm trong niềm tin với  Chúa", ông nói, "Tôi luôn cảm thấy rằng có quá nhiều điều cần làm khi sống hơn là khi xuôi tay nhắm mắt". 
Ông thừa nhận, khi đối diện với cái chết, có thể ông đã quá tin tưởng vào cuộc sống sau cái chết. "Tôi luôn muốn nghĩ rằng sẽ có sự sống sau cái chết", ông nói. "Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng bạn tích lũy được tất cả những kinh nghiệm này, dù có thể rất ít trong đó là sự thông thái, và rồi tất cả lại theo bạn ra đi. Vì thế, tôi thật sự muốn tin rằng có sự sống sau cái chết, dù đó có thể chỉ là sự tồn tại ý thức của bạn." 
Ông im lặng một lát rồi nói: "Nhưng ngược lại, có thể nó giống như một chiếc công tắc tắt-bật. Bật nút! Và thế là bạn ra đi." Sau đó ông ngừng lại một lát và mỉm cười : "Có thể đó là lý do tại sao tôi không bao giờ thích đặt những công tắc bật tắt trên các thíêt bị của Apple".

Băn khoăn của Jobs cũng là băn khoăn của nhiều người chúng ta, trong đó có tôi. Tuy rằng câu trả lời chính xác có lẽ sẽ mãi mãi không bao giờ đến, tôi tin rằng chết đơn giản chỉ là sự chuyển hóa từ một hình thức tồn tại này sang một hình thức tồn tại khác mà thôi.

Bạn có bao giờ tình cờ ngạc nhiên ngắm những bông hoa nhài ở ban công nhà như tôi? Từ gió, nước, đất, ánh nắng, qua một quá trình chuyển hóa không ngừng, những bông hoa trắng tinh khiết được ấp ủ, nuôi nấng, trưởng thành rồi tỏa hương...Từ gió, nước, đất, ánh nắng, những chiếc lá xanh mướt đâm chồi, nảy lộc rồi reo vui trên cành...Cũng từ gió, nước, đất và ánh nắng, những chồi non nhô lên khỏi mặt đất, cứng cáp, cao lớn dần theo thời gian... Bạn có đề ý bao nhiêu chiếc lá xanh rồi vàng, rồi lìa cành trong suốt đời cây? Bạn có để ý đến vòng tuần hòan trong cuộc đời của mỗi bông hoa, từ lúc chớm nụ, bung cánh, rực rỡ rồi lụi tàn? Bạn có biết gió, nước và đất mà cây đang hấp thụ hàng ngày đến từ đâu? Bạn có biết những cánh hoa tàn, những chiếc lá vàng, khi rơi xuống gốc, khi cuốn theo gió, khi trôi theo dòng nước rồi sẽ lại hòa vào đất, gió, nước phương nào? Rồi chúng sẽ lại trở thành 1 phần của sự sống của một thực thể nào trên vũ trụ này?

Ít ai biết một phần của chúng ta đang chết và vẫn đang tái sinh mỗi ngày. Mỗi ngày trôi qua, những tế bào già cỗi trong cơ thể chúng ta chết đi, rời khỏi cơ thể, phát tán vào môi trường xung quanh, được hấp thụ rồi chuyển hóa thành một hình thức khác, bởi một thực thể vô tri hay có tri giác khác. Mỗi ngày trôi qua, cơ thể chúng ta hấp thụ nước, thức ăn, không khí từ môi trường xung quanh, từ những thực thể xung quanh, chuyển hóa chúng thành năng lượng, sản sinh ra những tế bào mới, tạo nên một phần cơ thể mới ngay bên trong mình. Tôi có đọc trong một cuốn sách nói rằng, cứ ba tháng một lần, tòan bộ cơ thể chúng ta đã là một cơ thể mới. Sau mỗi ba tháng, cái duy nhất còn tồn tại lại trong chúng ta theo thời gian, chỉ là ký ức mà thôi. Hãy nhìn lại những bức ảnh của mình trong quá khứ, bạn có thấy sự khác biệt quá rõ ràng trong hình hài chúng ta ngày ra đời và chúng ta bây giờ không?

Vậy đàng sau cái chết là gì? Từ phương diện thân xác, đó sẽ là sự chuyển hóa từ hình thức tồn tại này sang hình thức tồn tại khác. Sau khi chết đi, những thành phần cấu tạo nên cơ thể chúng ta sẽ theo gió, nước, đất tiếp tục vòng tuần hòan của mình trong vũ trụ. Đến lượt mình, chúng sẽ được hấp thụ bởi  một thực thể vô tri hay có tri giác nào đó, và tiếp tục sống đời sống vô tận của riêng mình. Hay nói một cách khác, cơ thể của chúng ta sẽ tiếp tục đời sống của mình trong vô vàn hình hài, dạng thức khác nhau.

Vậy còn linh hồn, còn ý thức, còn tất cả những kinh nghiệm chúng ta đã tích lũy trong suốt kiếp sống ngắn ngủi của mình? Liệu chúng có thể tiếp tục tồn tại dưới một hình thức nào khác, hay sẽ đơn giản chỉ như nút bật tắt mà Jobs đã miêu tả. Tắt một cái, rồi mọi thứ ra đi?

Tôi thật sự không có câu trả lời cho sự tồn tại của linh hồn và ý thức sau cái chết. Nếu nhìn từ góc độ khoa học, coi cơ thể và não bộ như một tập hợp các thành phần hóa học và các phản ứng tương tác giữa chúng, thật khó để nói rằng linh hồn và ý thức của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại dài lâu. Nếu có, thì đó sẽ chỉ là sự tồn tại ngắn ngủi của chút năng lượng còn sót lại sau khi cơ thể ngừng họat động.

Tuy nhiên, nếu xét đơn thuần về sự sống theo nghĩa di truyền, tôi tin là mỗi chúng ta đều bất tử và sự sống của chúng ta không có điểm dừng. Mỗi chúng ta đều là một nhánh trong cây phả hệ, trong nỗ lực của tự nhiên, của tổ tiên để duy trì nòi giống hay sự sống của mình. Nếu chúng ta có con, sự sống của chúng ta sẽ tiếp nối qua con cái. Nếu chúng ta không có con nối dõi, sự sống của chúng ta luôn không ngừng chuyển hóa vào sự sống của mọi thực thể trong môi trường xung quanh.

Và nếu xét về kinh nghiệm chúng ta tích lũy trong suốt cuộc đời, chúng cũng chẳng hề theo chúng ta mà biến mất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những thế hệ sau luôn giỏi hơn thế hệ trước, những thành tựu sau của nhân lọai luôn đứng trên vai những thành tựu trước, và những kỹ năng tồn tại hay tiến hóa cơ thể luôn tiếp nối trong bao nhiêu triệu năm qua. Phần lớn những kinh nghiệm chúng ta tích lũy trong đời, vẫn luôn phát tán đến môi trường xung quanh và chuyển hóa thành hành động, suy nghĩ của các con người, tổ chức chúng ta tiếp xúc. Phần còn lại, nếu không muốn chúng biến mất cùng thời gian, bạn có thể ghi lại và gửi đến thế giới xung quanh dưới hình thức văn bản nào đó :D.

Tôi không biết có bao nhiêu điều Steve Jobs vẫn muốn giữ cho riêng mình, và rồi sẽ theo ông ấy ra đi. Vào lúc này, hẳn ông đã có câu trả lời chính xác cho câu hỏi của mình về sự tồn tại của ý thức đàng sau cái chết. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, trong cuộc đời của mình, cùng với đội ngũ Apple, ông đã tạo nhiều tác động và thay đổi đến thế giới này, đến một nhánh của ngành công nghệ, và đến cách suy nghĩ của rất nhiều người. Những thay đổi đó chính là cách mà các kinh nghiệm của ông đang tìm đường để tiếp tục sự tồn tại của chúng trong thế giới.

Cuộc đời và tính cách của Steve Jobs gây nhiều tranh cãi, cả tốt và xấu. Tôi không quan tâm nhiều đến những chỉ trích và cũng không định tìm hiểu quá sâu về con người thực của ông. Cho dù có cố gắng thế nào, những gì chúng ta hiểu được cũng chỉ là sự diễn dịch hời hợt về ông qua lăng kính bản thân mình. Điều tôi quan tâm nhiều hơn là mình học được gì qua cuộc đời đó. Và những điều tôi học được thì rất nhiều. Đó cũng là một cách để kinh nghiệm của ông được tiếp nối qua sự sống của tôi.

Bài viết liên quan:
1. Đọc Tiểu sử Steve Jobs
2. Bạn yêu điều bạn yêu đến mức nào?

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Đánh Cắp Ý Tưởng- Steal these ideas! Marketing secrets that will make you success


Làm sao để phát hiện ra một cuốn sách là hay hay là dở ngay từ trên kệ? Để bạn khỏi mất công mua nó về nhà, đọc nó và rồi thấy thất vọng?

Tui vẫn chưa biết cách để làm được điều này. Tuy nhiên, tui nghĩ đó là một kỹ năng cần phải rèn luyện trong tương lai. Bởi nếu bạn coi cuộc sống của chúng ta như một chuỗi kéo dài của thời gian, mỗi giây phút trong đó đều cực kỳ quí giá. Và nếu thời gian quí giá như vậy, chúng ta không nên phung phí chúng cho những cuốn sách dở.

Khi viết những dòng này, tui không có ý định nói rằng “Steal These Ideas!” hay “Đánh cắp ý tưởng” (DCYT) là một cuốn sách dở. Nếu lấy nội dung đế so độ tương xứng với tựa sách thì đây là một cuốn sách dở. Tuy nhiên, nếu bỏ qua sự bất tương xứng này mà chỉ quan tâm đến thông tin được cung cấp, thì cuốn sách này cũng thuộc vào dạng...trung bình khá.

Đây là một cuốn sách về marketing. Tham vọng của nó được xác định rất rõ ràng ngay từ lời nói đầu: “Tôi cho rằng trong lãnh vực marketing, từ lâu đã thiếu vắng những ý tưởng có tầm vóc, mang tính thực tiễn để bạn hay công ty bạn có thể ngay lập tức ứng dụng thành công. Nếu từ nay trở đi, bạn sử dụng cuốn sách này như một bí quyết marketing hoặc một cẩm nang tham khảo ý tưởng thì xem như tôi đã làm tròn nhiệm vụ của mình”. Nguời đọc ngay từ những trang đầu, hẳn sẽ rất háo hức để tiếp cận những ý tưởng đột phá, những bí mật marketing lớn lao có thể khiến họ thành công trong công việc tiếp thị.

Thế nhưng họ sẽ thất vọng. Cũng như hầu hết các sản phẩm trên thị trường, cuốn sách này của Steven Cone là minh chứng sống động cho khỏang cách luôn tồn tại giữa bao bì và những lời quảng cáo bắt mắt của sản phẩm với giá trị thật của nó.

Cuốn sách là tập hợp một số nguyên tắc cơ bản của marketing và quan điểm cá nhân của tác giả về những điều đúng đắn nên làm trong tiếp thị. Kèm theo đó là những ví dụ sống động, thú vị để minh họa. Không hổ danh là một chiến tướng trong ngành tiếp thị, bố cục thông tin, cách trình bày dẫn dắt của cuốn sách rất cô đọng, dễ hiểu, thú vị và cuốn hút.

Nhưng ưu điểm của cuốn sách có lẽ chỉ dừng lại ở đó. Tòan bộ những nguyên tắc hay những ý tưởng tiếp thị đưa ra trong cuốn sách đều cũ và không có gì mới mẻ hay đột phá. Chúng cũng chẳng hề là những bí mật, đặc biệt là cho những ai thực sự có kinh nghiệm và hiểu biết trong chuyên ngành này.

Chúng chắc chắn đem lại sự thích thú và háo hức cho những người mới bước chân vào ngành tiếp thị, hoặc những người ngoài ngành muốn tìm hiểu về nó. Tuy nhiên, nó không dành cho những chuyên gia trong ngành này, người muốn đọc cuốn sách và tìm những ý tưởng đặc biệt, những bí mật tiếp thị mà họ chưa hề biết để giúp họ thành công trong nghề nghiệp.

Tui tạm xếp cuốn sách này vào dạng B+ trong danh sách của mình, và chỉ khuyến khích những người newbie hay người ngọai đạo muốn tìm hiểu về marketing đọc nó.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Sinh vào ngày xanh- Daniel Tammet

Trên bàn làm việc, trước mặt tôi là hai cuốn sách. Cuốn thứ nhất là Bí Ẩn Của Não Bộ. Cuốn thứ hai là Sinh Vào Ngày Xanh. Trong khi Bí Ẩn Não Bộ cung cấp cho ta các phân tích khoa học về não và chức năng hoạt động của nó, Sinh Vào Ngày Xanh (SVNX) là một minh chứng sống động về cơ quan này và những điều, cả tốt đẹp lẫn khó khăn, mà nó có thể tạo ra cho cuộc đời của một con người.

Tôi đã đọc SVNX trong vỏn vẹn 1 buổi sáng và 1 buổi chiều. Không như cái tên có vẻ mỹ miều và lãng mạn, nội dung của SVNX không mang nhiều màu sắc văn chương. Nó được viết bằng 1 giọng văn đều đều, phong cách tường thuật, nhiều dữ liệu, thông tin chi tiết và thiếu hẳn cảm xúc. Khi đọc khoảng 2/3 cuốn sách, những điều này đã từng làm tôi muốn ngừng lại. Thật khó để bị thu hút bởi các chương sách cứ nối đuôi nhau, xình xịch, đều đều, như những đoàn tàu được 1 đứa trẻ con kéo đi.

Nhưng thật tốt là sự chán nản đó của tôi chỉ là một khoảnh khắc tức thời. Nó là phản ứng không thể tránh khỏi của những người như chúng ta khi lạc bước vào thế giới của những người tự kỷ. Chúng ta sống trong một thế giới luôn ngập tràn cảm xúc, ngôn từ và luôn bị thu hút hay phân tán tập trung vào vô số các hoạt động, suy nghĩ song song, liên tục, không ngừng nghỉ. Những người tự kỷ sống trong một thế giới hoàn toàn khác, thể giới của những qui tắc đơn giản, lặp đi lặp lại, những con số, sự tập trung cao độ cho một số rất ít những mối quan tâm, một thế giới hướng nội, khác hẳn với thể giới hướng ngoại của chúng ta. Và tôi đã đọc trọn vẹn cuốn sách.

SVNX kể về cuộc đời của chính tác giả, Daniel Tammet, một người tự kỷ hoạt động cao đã từng bước vượt qua những khó khăn để tập hòa nhập với thế giới. Bằng năng lực đặc biệt về toán học và ngôn ngữ, anh không chỉ đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống mà còn giúp mọi người có được hiểu biết rõ hơn về thế giới bên trong của những người bị bệnh giống mình. Daniel đã từng lập kỷ lục Châu Âu về nhớ độ dài hơn 22 ngàn từ của chữ số pi, biết 10 ngôn ngữ và có thể học một ngôn ngữ mới trong vòng 1 tuần. Anh cũng có thể đứng trước đám đông để thuyết trình theo một phong cách đơn giản, dễ chịu. Nếu đã đọc cuốn tự truyện và biết được những khó khăn mà anh phải trải qua khi đối diện với đám đông, bạn sẽ thấy khả năng thuyết trình ấy là thành quả một nghị lực và nỗ lực đến thế nào.

Cuốn sách không đem lại cho tôi nhiều cảm xúc hay sự xúc động. Tuy nhiên, nó đem lại cho tôi nhiều thông tin thú vị và vài suy ngẫm đáng lưu ý, tựu trung lại đều là hiểu biết thêm về cách nhìn thế giới của những con người khác nhau. Tôi sẽ liệt kê chúng dưới đây:
  1. Không nên nhìn người tự kỷ như những người khác biệt hay thiếu khả năng chỉ vì cách hành xử của họ khác của chúng ta. Họ cũng là một người hoàn toàn bình thường như tất cả mọi con người sinh ra trên trái đất, não bộ của họ có một số điểm khác so với đa số mọi người, chính vì vậy, nó tạo ra những thể hiện, hành xử khác biệt nơi họ. Cũng như mỗi chúng ta, họ sống trong một thế giới của riêng mình. Chúng ta có nhu cầu chia sẻ thế giới đó với nhau. Họ không có nhu cầu và cũng không được tạo ra để chia sẻ thế giới của riêng họ. Nhưng nếu có được 1 dịp may quí báu nào đó để bước vào thăm thế giới của, chúng ta sẽ thấy chúng cũng thật đẹp theo cách riêng của mình.
  2. Có thật nhiều cách khác nhau để nhìn một sự vật, tùy theo thế giới quan của mỗi người. Tôi rất thú vị về cách Daniel nhìn những con số, sự vật với những màu sắc và đặc tính riêng của chúng. Điều này thật mới lạ đối với tôi và đa số người khác. 
  3. Khi đã biết về cuộc đời Daniel, thế giới tư duy và thế giới quan của riêng anh, tôi không thể không nhìn lại cách mình đang nhìn nhận thế giới quan của người khác. Là một người làm nghề quản lý, cũng là một người có tính thích chỉ huy và thay đổi thế giới xung quanh một cách bẩm sinh, tôi thường một cách vô tình hay cố ý, áp đặt cách nhìn và xử lý vấn đề của mình lên những người xung quanh. Thời gian đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và trưởng thành để bỏ đi cái tôi và đặt mình vào vị trí người khác khi xử lý vấn đề, nhưng có vẻ như vẫn còn rất nhiều khoảng trống đế tôi phải tự cải thiện bản thân và khả năng đồng cảm, tôn trọng người khác của mình. 
Nếu đọc một cuốn sách mà học được từng đó thì quả là một cuốn sách đáng giá. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao tôi đọc SVNX chỉ trong vòng 1 buổi sáng và 1 buổi chiều. Đã vài tháng rồi tôi không đọc cuốn sách nào liền một mạch như thế.

Review cho cuốn sách này bằng tiếng Anh thì rất nhiều, nhưng bằng tiếng Việt thì cho đến lúc này tôi chỉ tìm thấy 1 bài review đáng quan tâm của một bà mẹ cũng có con bị bệnh tự kỷ. Các bạn xem link này nhé: http://nxbtre.com.vn/tin-tuc-su-kien/sinh-vao-ngay-xanh.2007.16.aspx

Các bạn cũng có thể nghe tác giả thuyết trình ở đây: http://www.youtube.com/watch?v=Pzd7ReqiQnE.  Anh Daniel có một phong cách thuyết trình đơn giản nhưng dễ tạo thiện cảm dù hơi buồn ngủ :D