Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

1. Sự sống đàng sau cái chết

- Nhân đọc Steve Jobs by Walter Isaacson -

Liệu có sự sống nào tồn tại đàng sau cái chết không? Và nếu có, nó sẽ tồn tại dưới hình thức nào? Những câu hỏi trên là băn khoăn của Steve Jobs đọng lại ở đọan kết của cuốn sách, trong những ngày tháng cuối của cuộc đời:

Vào một buổi chiều đầy nắng, khi không khỏe lắm, Jobs ngồi trong vười và nghĩ ngợi về cái chết. Ông nói về những trải nghiệm của mình tại Ấn Độ 40 năm trước, những nghiên cứu của bản thân về Phật Giáo và quan điểm về việc đầu thai chuyển kiếp cũng như những điều siêu tưởng của tâm linh.  "Tôi đã sống 55 năm trong niềm tin với  Chúa", ông nói, "Tôi luôn cảm thấy rằng có quá nhiều điều cần làm khi sống hơn là khi xuôi tay nhắm mắt". 
Ông thừa nhận, khi đối diện với cái chết, có thể ông đã quá tin tưởng vào cuộc sống sau cái chết. "Tôi luôn muốn nghĩ rằng sẽ có sự sống sau cái chết", ông nói. "Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng bạn tích lũy được tất cả những kinh nghiệm này, dù có thể rất ít trong đó là sự thông thái, và rồi tất cả lại theo bạn ra đi. Vì thế, tôi thật sự muốn tin rằng có sự sống sau cái chết, dù đó có thể chỉ là sự tồn tại ý thức của bạn." 
Ông im lặng một lát rồi nói: "Nhưng ngược lại, có thể nó giống như một chiếc công tắc tắt-bật. Bật nút! Và thế là bạn ra đi." Sau đó ông ngừng lại một lát và mỉm cười : "Có thể đó là lý do tại sao tôi không bao giờ thích đặt những công tắc bật tắt trên các thíêt bị của Apple".

Băn khoăn của Jobs cũng là băn khoăn của nhiều người chúng ta, trong đó có tôi. Tuy rằng câu trả lời chính xác có lẽ sẽ mãi mãi không bao giờ đến, tôi tin rằng chết đơn giản chỉ là sự chuyển hóa từ một hình thức tồn tại này sang một hình thức tồn tại khác mà thôi.

Bạn có bao giờ tình cờ ngạc nhiên ngắm những bông hoa nhài ở ban công nhà như tôi? Từ gió, nước, đất, ánh nắng, qua một quá trình chuyển hóa không ngừng, những bông hoa trắng tinh khiết được ấp ủ, nuôi nấng, trưởng thành rồi tỏa hương...Từ gió, nước, đất, ánh nắng, những chiếc lá xanh mướt đâm chồi, nảy lộc rồi reo vui trên cành...Cũng từ gió, nước, đất và ánh nắng, những chồi non nhô lên khỏi mặt đất, cứng cáp, cao lớn dần theo thời gian... Bạn có đề ý bao nhiêu chiếc lá xanh rồi vàng, rồi lìa cành trong suốt đời cây? Bạn có để ý đến vòng tuần hòan trong cuộc đời của mỗi bông hoa, từ lúc chớm nụ, bung cánh, rực rỡ rồi lụi tàn? Bạn có biết gió, nước và đất mà cây đang hấp thụ hàng ngày đến từ đâu? Bạn có biết những cánh hoa tàn, những chiếc lá vàng, khi rơi xuống gốc, khi cuốn theo gió, khi trôi theo dòng nước rồi sẽ lại hòa vào đất, gió, nước phương nào? Rồi chúng sẽ lại trở thành 1 phần của sự sống của một thực thể nào trên vũ trụ này?

Ít ai biết một phần của chúng ta đang chết và vẫn đang tái sinh mỗi ngày. Mỗi ngày trôi qua, những tế bào già cỗi trong cơ thể chúng ta chết đi, rời khỏi cơ thể, phát tán vào môi trường xung quanh, được hấp thụ rồi chuyển hóa thành một hình thức khác, bởi một thực thể vô tri hay có tri giác khác. Mỗi ngày trôi qua, cơ thể chúng ta hấp thụ nước, thức ăn, không khí từ môi trường xung quanh, từ những thực thể xung quanh, chuyển hóa chúng thành năng lượng, sản sinh ra những tế bào mới, tạo nên một phần cơ thể mới ngay bên trong mình. Tôi có đọc trong một cuốn sách nói rằng, cứ ba tháng một lần, tòan bộ cơ thể chúng ta đã là một cơ thể mới. Sau mỗi ba tháng, cái duy nhất còn tồn tại lại trong chúng ta theo thời gian, chỉ là ký ức mà thôi. Hãy nhìn lại những bức ảnh của mình trong quá khứ, bạn có thấy sự khác biệt quá rõ ràng trong hình hài chúng ta ngày ra đời và chúng ta bây giờ không?

Vậy đàng sau cái chết là gì? Từ phương diện thân xác, đó sẽ là sự chuyển hóa từ hình thức tồn tại này sang hình thức tồn tại khác. Sau khi chết đi, những thành phần cấu tạo nên cơ thể chúng ta sẽ theo gió, nước, đất tiếp tục vòng tuần hòan của mình trong vũ trụ. Đến lượt mình, chúng sẽ được hấp thụ bởi  một thực thể vô tri hay có tri giác nào đó, và tiếp tục sống đời sống vô tận của riêng mình. Hay nói một cách khác, cơ thể của chúng ta sẽ tiếp tục đời sống của mình trong vô vàn hình hài, dạng thức khác nhau.

Vậy còn linh hồn, còn ý thức, còn tất cả những kinh nghiệm chúng ta đã tích lũy trong suốt kiếp sống ngắn ngủi của mình? Liệu chúng có thể tiếp tục tồn tại dưới một hình thức nào khác, hay sẽ đơn giản chỉ như nút bật tắt mà Jobs đã miêu tả. Tắt một cái, rồi mọi thứ ra đi?

Tôi thật sự không có câu trả lời cho sự tồn tại của linh hồn và ý thức sau cái chết. Nếu nhìn từ góc độ khoa học, coi cơ thể và não bộ như một tập hợp các thành phần hóa học và các phản ứng tương tác giữa chúng, thật khó để nói rằng linh hồn và ý thức của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại dài lâu. Nếu có, thì đó sẽ chỉ là sự tồn tại ngắn ngủi của chút năng lượng còn sót lại sau khi cơ thể ngừng họat động.

Tuy nhiên, nếu xét đơn thuần về sự sống theo nghĩa di truyền, tôi tin là mỗi chúng ta đều bất tử và sự sống của chúng ta không có điểm dừng. Mỗi chúng ta đều là một nhánh trong cây phả hệ, trong nỗ lực của tự nhiên, của tổ tiên để duy trì nòi giống hay sự sống của mình. Nếu chúng ta có con, sự sống của chúng ta sẽ tiếp nối qua con cái. Nếu chúng ta không có con nối dõi, sự sống của chúng ta luôn không ngừng chuyển hóa vào sự sống của mọi thực thể trong môi trường xung quanh.

Và nếu xét về kinh nghiệm chúng ta tích lũy trong suốt cuộc đời, chúng cũng chẳng hề theo chúng ta mà biến mất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những thế hệ sau luôn giỏi hơn thế hệ trước, những thành tựu sau của nhân lọai luôn đứng trên vai những thành tựu trước, và những kỹ năng tồn tại hay tiến hóa cơ thể luôn tiếp nối trong bao nhiêu triệu năm qua. Phần lớn những kinh nghiệm chúng ta tích lũy trong đời, vẫn luôn phát tán đến môi trường xung quanh và chuyển hóa thành hành động, suy nghĩ của các con người, tổ chức chúng ta tiếp xúc. Phần còn lại, nếu không muốn chúng biến mất cùng thời gian, bạn có thể ghi lại và gửi đến thế giới xung quanh dưới hình thức văn bản nào đó :D.

Tôi không biết có bao nhiêu điều Steve Jobs vẫn muốn giữ cho riêng mình, và rồi sẽ theo ông ấy ra đi. Vào lúc này, hẳn ông đã có câu trả lời chính xác cho câu hỏi của mình về sự tồn tại của ý thức đàng sau cái chết. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, trong cuộc đời của mình, cùng với đội ngũ Apple, ông đã tạo nhiều tác động và thay đổi đến thế giới này, đến một nhánh của ngành công nghệ, và đến cách suy nghĩ của rất nhiều người. Những thay đổi đó chính là cách mà các kinh nghiệm của ông đang tìm đường để tiếp tục sự tồn tại của chúng trong thế giới.

Cuộc đời và tính cách của Steve Jobs gây nhiều tranh cãi, cả tốt và xấu. Tôi không quan tâm nhiều đến những chỉ trích và cũng không định tìm hiểu quá sâu về con người thực của ông. Cho dù có cố gắng thế nào, những gì chúng ta hiểu được cũng chỉ là sự diễn dịch hời hợt về ông qua lăng kính bản thân mình. Điều tôi quan tâm nhiều hơn là mình học được gì qua cuộc đời đó. Và những điều tôi học được thì rất nhiều. Đó cũng là một cách để kinh nghiệm của ông được tiếp nối qua sự sống của tôi.

Bài viết liên quan:
1. Đọc Tiểu sử Steve Jobs
2. Bạn yêu điều bạn yêu đến mức nào?

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Đánh Cắp Ý Tưởng- Steal these ideas! Marketing secrets that will make you success


Làm sao để phát hiện ra một cuốn sách là hay hay là dở ngay từ trên kệ? Để bạn khỏi mất công mua nó về nhà, đọc nó và rồi thấy thất vọng?

Tui vẫn chưa biết cách để làm được điều này. Tuy nhiên, tui nghĩ đó là một kỹ năng cần phải rèn luyện trong tương lai. Bởi nếu bạn coi cuộc sống của chúng ta như một chuỗi kéo dài của thời gian, mỗi giây phút trong đó đều cực kỳ quí giá. Và nếu thời gian quí giá như vậy, chúng ta không nên phung phí chúng cho những cuốn sách dở.

Khi viết những dòng này, tui không có ý định nói rằng “Steal These Ideas!” hay “Đánh cắp ý tưởng” (DCYT) là một cuốn sách dở. Nếu lấy nội dung đế so độ tương xứng với tựa sách thì đây là một cuốn sách dở. Tuy nhiên, nếu bỏ qua sự bất tương xứng này mà chỉ quan tâm đến thông tin được cung cấp, thì cuốn sách này cũng thuộc vào dạng...trung bình khá.

Đây là một cuốn sách về marketing. Tham vọng của nó được xác định rất rõ ràng ngay từ lời nói đầu: “Tôi cho rằng trong lãnh vực marketing, từ lâu đã thiếu vắng những ý tưởng có tầm vóc, mang tính thực tiễn để bạn hay công ty bạn có thể ngay lập tức ứng dụng thành công. Nếu từ nay trở đi, bạn sử dụng cuốn sách này như một bí quyết marketing hoặc một cẩm nang tham khảo ý tưởng thì xem như tôi đã làm tròn nhiệm vụ của mình”. Nguời đọc ngay từ những trang đầu, hẳn sẽ rất háo hức để tiếp cận những ý tưởng đột phá, những bí mật marketing lớn lao có thể khiến họ thành công trong công việc tiếp thị.

Thế nhưng họ sẽ thất vọng. Cũng như hầu hết các sản phẩm trên thị trường, cuốn sách này của Steven Cone là minh chứng sống động cho khỏang cách luôn tồn tại giữa bao bì và những lời quảng cáo bắt mắt của sản phẩm với giá trị thật của nó.

Cuốn sách là tập hợp một số nguyên tắc cơ bản của marketing và quan điểm cá nhân của tác giả về những điều đúng đắn nên làm trong tiếp thị. Kèm theo đó là những ví dụ sống động, thú vị để minh họa. Không hổ danh là một chiến tướng trong ngành tiếp thị, bố cục thông tin, cách trình bày dẫn dắt của cuốn sách rất cô đọng, dễ hiểu, thú vị và cuốn hút.

Nhưng ưu điểm của cuốn sách có lẽ chỉ dừng lại ở đó. Tòan bộ những nguyên tắc hay những ý tưởng tiếp thị đưa ra trong cuốn sách đều cũ và không có gì mới mẻ hay đột phá. Chúng cũng chẳng hề là những bí mật, đặc biệt là cho những ai thực sự có kinh nghiệm và hiểu biết trong chuyên ngành này.

Chúng chắc chắn đem lại sự thích thú và háo hức cho những người mới bước chân vào ngành tiếp thị, hoặc những người ngoài ngành muốn tìm hiểu về nó. Tuy nhiên, nó không dành cho những chuyên gia trong ngành này, người muốn đọc cuốn sách và tìm những ý tưởng đặc biệt, những bí mật tiếp thị mà họ chưa hề biết để giúp họ thành công trong nghề nghiệp.

Tui tạm xếp cuốn sách này vào dạng B+ trong danh sách của mình, và chỉ khuyến khích những người newbie hay người ngọai đạo muốn tìm hiểu về marketing đọc nó.