Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Mật mã - Từ cổ điển đến lượng tử - Simon Singh

Tên đầy đủ của cuốn sách là The Code Book- The science of secrecy from ancient Egypt to quantum cryptography, viết bởi Simon Singh. Nếu bạn có quan tâm đến tác giả thì Simon Singh là một tiến sĩ vật lý tại Cambridge, nổi tiếng bởi những tác phẩm hấp dẫn, thú vị về khoa học. Tác phẩm đầu tay của ông "Định lý cuối cùng của Fermat", đã từng là cuốn sách bán chạy nhất nước Anh. The Code Book là môt trong những tác phẩm thành công tiếp sau đó với khỏang hơn 200 ngàn bản đã được bán trên khắp thế giới. Nói một cách ngắn gọn, The Code Book dẫn bạn vào hành trình khám phá sự tiến hóa của mật mã lòai người; vai trò quan trọng và ảnh hưởng quyết định của nó trong các họat động của chính phủ, những cuộc chiến tranh thế giời, đời sống riêng tư của mỗi con nguời, đặc biệt khi mỗi chúng ta càng ngày càng ảo hóa và chuyển phần lớn sinh họat cuộc đời lên mạng internet.

Vào thời điểm đem cuốn sách về nhà, tôi không biết đó là một cuốn sách nổi tiếng, cũng không nghĩ nó là một cuốn sách thuần túy về mật mã. Tôi đã đọc lướt qua cái tựa hấp dẫn, liên tưởng đến một cái gì thú vị kiểu như Mật mã Da Vinci, và mong đợi điều ly kỳ tương tự. Tôi sai về Da Vinci, nhưng may mắn thay, hòan tòan đúng về sự hấp dẫn, ly kỳ và thú vị mà nó đem lại.

Cuốn sách có 8 chương. Hai chương đầu tiên nói về các cách mã hóa thô sơ thời cổ, từ việc dùng một lớp gỗ che phủ, viết trên da đầu để tóc mọc lên, đến việc dùng các bảng chữ cái, sổ mật mã. Với các bạn không yêu thích khoa học, không thích các con số, thuật tóan và chỉ quan tâm đến những câu chuyện vui vẻ, thú vị, hấp dẫn như tôi, 2 chương này khá khô khan và khó nhằn. Dù được điểm tô bằng câu chuyện về vụ xử tử nữ hòang Marry xứ Ai Len hay bí mật về kho báu bí ẩn ở miền Virginia nước Mỹ, sức hút của chúng vẫn yếu ớt . Chính vì vậy, không ít lần tôi đã định buông sách xuống, để quay về với những mối quan tâm hiện tại. Hai chương này chiếm khỏang 130 trang.

Nhưng nỗ lực "không bở dở những gì đang làm" của tôi cuối cùng đã được đền đáp. Sáu chương sách còn lại thật sự cuốn hút, hấp dẫn, ly kỳ và thú vị không cưỡng lại được. Chúng mô tả một cách duyên dáng, cực kỳ dễ hiểu những bước tiến hóa nhảy vọt trong độ phức tạp và sự an tòan của mật mã khi bước vào thời kỳ cơ giới hóa, bắt đầu từ Engima đến RSA và cuối cùng là mật mã lượng tử. Đồng hảnh với quá trình tiến hóa là sự đấu trí không ngừng giữa những người tạo ra mật mã và những người tìm cách hóa giải nó. Mỗi cuộc đấu trí đều thấy lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ của những bộ óc tuyệt vời.

Lồng ghép trong suốt sáu chương sách là những câu chuyện về vai trò quyết định của mật mã trong các cuộc chiến tranh; những cơ quan tối mật của chính phủ chuyên làm nhiệm vụ tính báo, tạo mã và giải mã;  những con người ưu tú họat động lặng thầm trong bóng tối bình thản nhìn người khác bước lên bục vinh quang cho những phát minh mình đã tạo ra từ trước nhiều năm. Cuối cùng là cuộc tranh cãi vẫn đang tiếp diễn của công dân, giới kinh doanh về quyền riêng tư, tự do cá nhân trong nỗ lực kiểm sóat, theo dõi thông tin không ngừng gia tăng của chính phủ.

Có đôi chỗ, tiết lộ của cuốn sách làm tôi chóang váng. Ví dụ như chuyện Alan Turing không chỉ là người có ảnh hưởng lớn trong việc thiết kế ra máy tính, ông còn là một tay giải mã cự phách, có đóng góp rất nhiều trong việc vô hiệu mật mã Engima và sự nghiệp tình báo của chính phủ Anh. Thêm vào đó, ông còn là một người...đồng tính. Hóa ra, đồng tính không hề là chuyện mới trong thế giới những người nổi tiếng của làng công nghệ, ngòai Alan Turing, Peter Thiel và Chris Hughes cũng là hai người đồng tính nổi tiếng khác.

Phần vui nhất của cuốn sách có lẽ là đọan mô tả về mật mã Navajo, được chính phủ Mỹ sử dụng trong cuộc chiến với Nhật. Bằng cách sử dụng các chiến binh Navajo và ngôn ngữ thổ dân của họ, Mỹ đã vô hiệu hóa hòan tòan mọi nỗ lực giải mã của Nhật và đảm bảo tính bí mật, bất ngờ cho các thông tin cuộc chiến.

Quá trình đọc cuốn sách thật sự rất say mê, hứng thú. Tuy nhiên, khi gấp sách, đọng lại trong tôi lại là những suy tư.

Nhu cầu mật mã của những người bình thường cực kỳ đơn giản, có thể giới hạn trong những phương pháp cổ điển. Chỉ có các chính phủ, các thế lực khủng bố, tội phạm là cần đến mật mã với độ phức tạp không ngừng gia tăng để bảo vệ cho những bí mật, âm mưu lớn lao về quyền lực, tiền bạc, danh vọng của họ. Khi tôi biết về mật mã cũng là lúc tôi nhận ra một thế giới bí mật khác đang chảy song hành với cuộc sống bình dị của mình. Nếu không có thế giới đó, hẳn cuộc sống đã yên bình và đẹp đẽ biết bao. Sự tiến hóa của khoa học mật mã, chính vì thế, theo một cách nào đó, lại phản ánh sự tiêu tốn năng lượng vô ích cho những ảo ảnh của xã hội lòai người, như nó vẫn luôn là thế.

May mắn thay, cuộc đấu trí giữa những nhà tạo mã và giải mã lại đem đến cho tôi một suy tư khác tích cực hơn. Lịch sử tiến hóa của ngành mật mã chất đầy những tên tuổi lớn, những bộ óc ưu tú, đam mê, dũng cảm trong việc đón nhận, hóa giải các thách thức. Trong khi bao người ở ngoài kia đang cưỡi lên những đợt sóng và tìm đến những miền đất mới, tôi và nhiều bạn trẻ Việt Nam khác lại ngồi đây, trong cái góc chật hẹp của mình, trải qua ngày này tháng khác dẫm lại vết chân đã đi mòn nhẵn của thể giới, ít có can đảm bắt đầu một điều gì, cũng chẳng đủ can đảm kết thúc một điều gì cho tới nơi tới chốn.

Tôi nhìn lại tôi, và tôi nghĩ mình nên sống khác đi một chút nữa.

Và đó có lẽ là điều quí giá nhất tôi tìm được từ cuốn sách này. Cảm ơn Simon Singh và các nhà khoa học của ngành mật mã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét