Tôi đã đọc SVNX trong vỏn vẹn 1 buổi sáng và 1 buổi chiều. Không như cái tên có vẻ mỹ miều và lãng mạn, nội dung của SVNX không mang nhiều màu sắc văn chương. Nó được viết bằng 1 giọng văn đều đều, phong cách tường thuật, nhiều dữ liệu, thông tin chi tiết và thiếu hẳn cảm xúc. Khi đọc khoảng 2/3 cuốn sách, những điều này đã từng làm tôi muốn ngừng lại. Thật khó để bị thu hút bởi các chương sách cứ nối đuôi nhau, xình xịch, đều đều, như những đoàn tàu được 1 đứa trẻ con kéo đi.
Nhưng thật tốt là sự chán nản đó của tôi chỉ là một khoảnh khắc tức thời. Nó là phản ứng không thể tránh khỏi của những người như chúng ta khi lạc bước vào thế giới của những người tự kỷ. Chúng ta sống trong một thế giới luôn ngập tràn cảm xúc, ngôn từ và luôn bị thu hút hay phân tán tập trung vào vô số các hoạt động, suy nghĩ song song, liên tục, không ngừng nghỉ. Những người tự kỷ sống trong một thế giới hoàn toàn khác, thể giới của những qui tắc đơn giản, lặp đi lặp lại, những con số, sự tập trung cao độ cho một số rất ít những mối quan tâm, một thế giới hướng nội, khác hẳn với thể giới hướng ngoại của chúng ta. Và tôi đã đọc trọn vẹn cuốn sách.
SVNX kể về cuộc đời của chính tác giả, Daniel Tammet, một người tự kỷ hoạt động cao đã từng bước vượt qua những khó khăn để tập hòa nhập với thế giới. Bằng năng lực đặc biệt về toán học và ngôn ngữ, anh không chỉ đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống mà còn giúp mọi người có được hiểu biết rõ hơn về thế giới bên trong của những người bị bệnh giống mình. Daniel đã từng lập kỷ lục Châu Âu về nhớ độ dài hơn 22 ngàn từ của chữ số pi, biết 10 ngôn ngữ và có thể học một ngôn ngữ mới trong vòng 1 tuần. Anh cũng có thể đứng trước đám đông để thuyết trình theo một phong cách đơn giản, dễ chịu. Nếu đã đọc cuốn tự truyện và biết được những khó khăn mà anh phải trải qua khi đối diện với đám đông, bạn sẽ thấy khả năng thuyết trình ấy là thành quả một nghị lực và nỗ lực đến thế nào.
Cuốn sách không đem lại cho tôi nhiều cảm xúc hay sự xúc động. Tuy nhiên, nó đem lại cho tôi nhiều thông tin thú vị và vài suy ngẫm đáng lưu ý, tựu trung lại đều là hiểu biết thêm về cách nhìn thế giới của những con người khác nhau. Tôi sẽ liệt kê chúng dưới đây:
- Không nên nhìn người tự kỷ như những người khác biệt hay thiếu khả năng chỉ vì cách hành xử của họ khác của chúng ta. Họ cũng là một người hoàn toàn bình thường như tất cả mọi con người sinh ra trên trái đất, não bộ của họ có một số điểm khác so với đa số mọi người, chính vì vậy, nó tạo ra những thể hiện, hành xử khác biệt nơi họ. Cũng như mỗi chúng ta, họ sống trong một thế giới của riêng mình. Chúng ta có nhu cầu chia sẻ thế giới đó với nhau. Họ không có nhu cầu và cũng không được tạo ra để chia sẻ thế giới của riêng họ. Nhưng nếu có được 1 dịp may quí báu nào đó để bước vào thăm thế giới của, chúng ta sẽ thấy chúng cũng thật đẹp theo cách riêng của mình.
- Có thật nhiều cách khác nhau để nhìn một sự vật, tùy theo thế giới quan của mỗi người. Tôi rất thú vị về cách Daniel nhìn những con số, sự vật với những màu sắc và đặc tính riêng của chúng. Điều này thật mới lạ đối với tôi và đa số người khác.
- Khi đã biết về cuộc đời Daniel, thế giới tư duy và thế giới quan của riêng anh, tôi không thể không nhìn lại cách mình đang nhìn nhận thế giới quan của người khác. Là một người làm nghề quản lý, cũng là một người có tính thích chỉ huy và thay đổi thế giới xung quanh một cách bẩm sinh, tôi thường một cách vô tình hay cố ý, áp đặt cách nhìn và xử lý vấn đề của mình lên những người xung quanh. Thời gian đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và trưởng thành để bỏ đi cái tôi và đặt mình vào vị trí người khác khi xử lý vấn đề, nhưng có vẻ như vẫn còn rất nhiều khoảng trống đế tôi phải tự cải thiện bản thân và khả năng đồng cảm, tôn trọng người khác của mình.
Review cho cuốn sách này bằng tiếng Anh thì rất nhiều, nhưng bằng tiếng Việt thì cho đến lúc này tôi chỉ tìm thấy 1 bài review đáng quan tâm của một bà mẹ cũng có con bị bệnh tự kỷ. Các bạn xem link này nhé: http://nxbtre.com.vn/tin-tuc-
Các bạn cũng có thể nghe tác giả thuyết trình ở đây: http://www.yout
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét