Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Đọc Tiểu Sử Steve Jobs by Walter Issaacson

Bạn đọc thân mến,

 Vậy là cuối cùng tôi cũng đã có đủ tự tin để review cuốn Tiểu Sử Steve Jobs (TSSJ) một cách đơn giản và gọn gàng nhất có thể. Sau hai tháng lùi ra xa để nhìn lại và ngẫm nghĩ, tôi lại đang cầm trên tay tác phẩm này. Sách dày hơn 600 trang, bìa cứng, trình bày một cách đơn giản, tao nhã nhưng ấn tượng, chấp bút bởi Walter Issaacson.

Tôi tìm đến cuốn sách này qua giới thiệu của một người bạn, khi nó vừa được xuất bản bằng sách giấy ở Việt Nam vào những ngày đầu tháng 12/ 2011. Trước đó, bản điện tử của nó đã được phân phối từ ngày 5/11.

Vốn không đánh giá cao những bản dịch tiếng Việt của Anpha Book, tôi không ngạc nhiên về chất lượng cuốn sách lần này. Do phát hành chỉ hơn một tháng sau bản gốc tiếng Anh, TSSJ của nhà sách này được dịch khá vội vàng, cẩu thả, nhiều đọan truyền tải sai hay không rõ ý của sách gốc. Văn phong tác giả hay giá trị nội dung của cuốn sách, cũng vì thế mà giảm đi nhiều phần. Thêm vào đó, hình ảnh Techcombank nằm chễm chệ ở trang thứ 3, viền khung trang trọng với logo đỏ chót là một nỗ lực tiếp thị rất vụng về và phản cảm, làm ảnh hưởng không ít đến sự tao nhã, tinh tế của bản thân cuốn sách.

Nhưng bỏ qua những tiểu tiết phía trên, đây quả thật là một cuốn sách có giá trị nội dung, đáng mua và lưu giữ lâu dài trên kệ.

Cuộc đời của Steve Jobs có tầm vóc riêng. Chính vì thế, nó đòi hỏi người chấp bút cũng phải có một tầm vóc tương ứng. Tôi nghĩ Steve Jobs hẳn đã chọn lọc rất kỹ càng khi tìm đến và đề nghị Walter Issaacson viết tiểu sử cho mình vào mùa hè năm 2004.

Ở vị trí của người đã từng là chủ tịch kiêm CEO của CNN và tổng biên tập của tạp chí Time, Walter Issaacson có đủ tầm vóc về tư tưởng để trao đổi, thấu hiểu, quan sát và truyền tải cuộc đời Steve Jobs đến công chúng một cách hỉểu biết, khách quan. Bạn có thể kiểm chứng điểu này bằng cách tìm đọc những cuốn sách khác về Steve Jobs. Trong rừng sách được xuất bản trước và sau cái chết của ông. bạn sẽ thấy TSSJ viết bởi Walter Issaacson nổi bật hẳn lên với tầm vóc khác biệt.

Steve Jobs không có ý định dùng cuốn sách này để đánh bóng hình ảnh bản thân mình như một người hòan hảo. Walter Issaacson lại càng không và giữ một thái độ rất khách quan trong tòan bộ tác phẩm.  Ông để cho chân dung của Steve tự hiện lên và được khắc họa một cách sống động và chân thực thông qua chính những biển hồi ức, đánh giá của bản thân Steve, gia đình, cộng sự và những người có liên quan đến nhà lãnh đạo Apple này.

Tôi đã bị cuốn mải miết vào dòng chảy mãnh liệt của cuộc đời nhà lãnh đạo Apple với rất nhiều những khỏanh khắc chóang chợp vì độ lớn của tư tưởng, độ quyết liệt của hành động và sự đơn giản mạnh mẽ trong tư duy của Steve cùng cộng sự. Ở những trang cuối của cuốn sách, khi Walter Issaacson tạo cho Steve Jobs cơ hội để tự nói về cuộc đời mình, tôi đã bật khóc. Trong một thế giới có quá nhiều thỏa hiệp, quá nhiều sự hời hợt, quá nhiều những nỗ lực nửa vời, cuộc đời Steve Jobs và cách sống của ông đã tạo được cảm hứng và sức mạnh cho tôi và có lẽ rất nhiều người khác.

Steve Jobs nổi tiếng vì sự thô lỗ, tàn nhẫn, bạo ngược. Có cả những câu chuyện khác về sự phản trắc, lợi dụng người khác, vô trách nhiệm của ông. Walter Issaacson không né tránh việc đề cập đến những điều đó trong tác phẩm. Tôi không quan tâm. Không ai trên thế giới này thực sự là hòan hảo, và sự thật không nằm trong những huyền thọai hay lời đồn thổi. Tôi chỉ nhìn vào một con người qua những gì họ đã để lại cho cuộc đời này. Với tôi và rất nhiều người khác, điều Steve Jobs để lại là khát khao mãnh liệt về việc phá vỡ các biên giới, đẩy năng lực con người lên đến mức độ cao nhất có thể, và tìm đến cái đẹp một cách tinh tế, hòan hảo nhất có thể. Tôi nghĩ đó là một trong những điều lòai người thật sự cần.

Thật khó để trình bày tòan bộ những suy ngẫm của tôi về cuốn sách này trong một bài review. Tôi sẽ dừng lại ở đây và ghi nhớ lại một số điều nổi bật mà bản thân sẽ mang theo và suy ngẫm:
  1. Quyết định những điều mình không làm cũng quan trọng như quyết định những gì mình sẽ làm.
  2. A lot of effort went into making this effortless. 
  3. Người ta thực sự phán xét một quỳển sách qua tấm bìa của nó. Vì thế, cần đảm bảo tất cả vẻ ngòai và các bao bì sản phẩm phải cho thấy nó ẩn chứa một viên ngọc quí ở bên trong.
  4. Sự thuần khiết, tĩnh lặng và tự chủ của màu trắng.
  5. Đơn giản là sự tinh tế tối thượng.
  6. Hãy trượt đến chỗ trái banh văng tới chứ không phải ở nơi nó từng xuất hiện.
  7. Cách suy nghĩ đơn giản, mạch lạc và cực rõ ràng về chiến lược sản phẩm.
  8. Không thỏa hiệp.
  9. Niểm vui sáng tạo; sự cống hiến hết sức mình cho độ hòan hảo của sản phẩm.
  10. Khả năng bóp méo sự thật hay magic thingking.
  11. Tầm nhìn xa và trí tưởng tượng vượt biên giới thông thường.
  12. Nghệ thuật vĩ đại sẽ gây ảnh hưởng chứ không đi theo thị hiếu.
  13. Sự khám phá sáng tạo đến từ sự đào sâu chi tiết, hay càng ít càng nhiều.
  14. Thấu hiểu mong muốn của người dùng ngay cả trước khi họ nhìn thấy.
  15. Chuẩn mực cao cho sự hòan hảo.
  16. Cách sống nổi lọan của hải tặc, không để cho các khuôn phép của xã hội ràng buộc mình.
  17. Tình yêu sâu thẳm và sự đam mê chìm đắm, mãnh liệt mà những con người vĩ đại như Steve Job và cộng sự của ông đã đặt vào từng sản phẩm. Tôi ngưỡng mộ những bộ óc tinh tế, sắc sảo đẹp đẽ đó, cho dù những thể hiện của nó ra bên ngòai có thô lỗ và nghiệt ngã đến mức nào.
Hôm nay là 29 Tết, ngày cuối cùng của năm cũ, hòan thành review cuốn sách này cũng là một thành công nhỏ đáng chúc mừng với tôi. Thật tốt để khép lại một năm theo cách này.

Các bài viết khác của cuốn này:
  1. Sự sống đàng sau cái chết.
  2. Steve Jobs- Bạn yêu điều bạn yêu đến mức nào?

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

2. Bạn yêu điều bạn yêu đến mức nào?

-  Nhân đọc Steve Jobs by Walter Isaacson -

Tôi vẫn thường hỏi bản thân và bạn bè rằng :"đam mê (passion) của bạn là gì?", và ít khi nhận được câu trả lời rõ ràng. Lần gần đây nhất là câu trả lời từ một anh giáo sư người Mỹ: "Đam mê của tao là  nhìn thấy con cái trưởng thành; kiếm được một người bạn đời; tiếp tục hòan thành việc xử lý ảnh cho hệ thống ngôn ngữ Ả rập".

Đam mê, trong định nghĩa của tôi, là tình yêu chân thực và mãnh liệt với một điều gì đó. Tình yêu đó sâu sắc, không thay đổi và mạnh mẽ đủ để người ta có thể theo đuổi và hành động vì nó, trong suốt cuộc đời. Cũng như true love, con người không dễ tìm thấy, không dễ nhận thấy, và không dễ có được một niềm đam mê như vậy. Thông thường, do không đủ độ sâu sắc và mãnh liệt, nó sẽ chỉ dừng lại ở mức sở thích hay ý thích; dễ dàng bị thay đổi; dễ dàng bị từ bỏ trứơc những khó khăn luôn diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi người.

Chính vì thế, tôi đặc biệt thích chia sẻ này của Steve Jobs, dù nó không hề mới:
" Mọi người nói rằng bạn cần phải thật đam mê về điều bạn đang làm. Và đó là sự thật vì nếu không đam mê, bất cứ ai có chút lý trí cũng sẽ dễ dàng từ bỏ. Theo đuổi điều gì đó một cách kiên trì, bền bỉ là việc cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy, nếu bạn không yêu nó, không tìm thấy niềm vui khi thực hiện nó, bạn sẽ từ bỏ. Và điều này xảy ra với hầu hết mọi người"
Đam mê của bạn là gì? Bản thân tôi vẫn chưa thể nhận diện được đam mê của mình trong chuỗi miên man những sở thích vẫn đang đến và đi. Một vài cái lớn hơn những cái khác và đang ở lại qua năm tháng. Tuy nhiên, chưa có sở thích nào đủ lớn để khiến tôi sẵn sàng bỏ qua mọi giới hạn, và sống hết mình cho nó.

Trong suy nghĩ của riêng tôi, đó cũng là điều tạo nên sự khác biệt giữa Steve Jobs, cũng như những người thành công khác, với hầu hết mọi người. Khi nhìn vào cuộc đời ông qua mô tả của cuốn sách, Steve đã cho thấy một đam mê mãnh liệt với cái đẹp và việc thiết kế nên những sản phẩm tinh tế, hòan hảo. Đam mê đó gần như ám ảnh đời sống của ông, từ cách ăn mặc, cách tư duy, cách chọn đồ vật trong nhà, thiết kế sản phẩm, thiết kế máy bay riêng, du thuyền riêng đến tận cách ông quan sát và làu bàu chê trách thiết kế của cái mặt nạ ôxy chuẩn bị đắp lên mặt ông, trước một ca mổ sinh tử. Cũng chính niềm đam mê đó đã thúc đẩy ông và giúp ông thúc đẩy mọi người qua hết giới hạn này đến giới hạn khác trong thiết kế, hiện thực sản phẩm để đưa mức độ hòan hảo của sản phẩm lên hết mức tới hạn năng lực của những người tạo ra nó, tại thời điểm đó.

Tôi nhấn mạnh từ "tại thời điểm đó" phía trên vì tôi tin năng lực của con người là cực kỳ lớn lao. Ngay cả khi Jobs và đội ngũ của ông đã cố gắng đẩy năng lực của họ đến cực hạn tại một thời điểm, thì thật ra họ cũng mới chỉ khai phá được một phần nhỏ bé trong suối nguồn vô tận năng lực của con người do vũ trụ ban tặng. Và chỉ mới dừng ở mức tới hạn đó thôi, đã đủ để những sản phẩm tuyệt vời như iphone, ipad, mac đã được tạo ra.

Nếu hỏi ấn tượng mạnh nhất của tôi về Steve Jobs sau khi đọc cuốn sách là gì? Ấn tượng đó là ông đã sống một đời sống thật mãnh liệt, cố gắng không thỏa hiệp, và luôn cố gắng đẩy cuộc sống và sáng tạo của mình đến hết biên. Ở đường biên đó, những chuẩn mực mới được tạo ra, và từ đó, chúng ta có được bàn đạp để tiếp tục khám phá những điều mới mẻ, lớn lao khác.

Một đời sống mãnh liệt như thế thật đáng sống. Chính vì thế, đừng mong đợi ông khép mình trong những chuẩn mực, qui phạm hay ràng buộc suy nghĩ, hành xử thông thường của xã hội.

Và ở riêng khía cạnh sống cực kỳ mãnh liệt này, Steve Jobs chinh phục hòan tòan sự ngưỡg mộ của tôi.



Bài viết liên quan:
  1. Sự sống đàng sau cái chết
  2. Đọc Tiểu sử Steve Jobs